FPT nằm trong top 10 công ty có năng lực công nghệ 4.0 tiêu biểu

Không chỉ có mặt trong Top 50 doanh nghiệp CNTT hàng đầu Việt Nam, tập đoàn FPT còn được bình chọn vì tiên phong trong xu hướng công nghệ 4.0.

Tối ngày 18/9 tại Hà Nội, Hiệp hội Phần mềm và Dịch vụ Công nghệ thông tin Việt Nam (VINASA) tổ chức lễ trao giấy chứng nhận cho 50 doanh nghiệp CNTT hàng đầu Việt Nam 2018 và 10 doanh nghiệp có năng lực công nghệ 4.0 tiêu biểu.

Theo VINASA, đa số các doanh nghiệp thuộc Top 50 năm nay không chỉ tập trung vào các bài toán kinh doanh mà còn quan tâm đến việc đầu tư xây dựng năng lực công nghệ mới, tham gia vào quá trình chuyển đổi số, ứng dụng các công nghệ tiên tiến vào sản phẩm, dịch vụ đáp ứng nhu cầu của xã hội.

FPT nhận giấy chứng nhận về năng lực 4.0.
FPT được đánh giá là một trong những doanh nghiệp tiên phong trong chuyển đổi số. Trong năm 2017, tốc độ tăng trưởng doanh thu chuyển đổi số của FPT đạt trên 50% và chiếm 21% tổng doanh thu từ mảng công nghệ của FPT.

“Chúng tôi đặt tham vọng sẽ trở thành một trong những công ty hàng đầu toàn cầu về dịch vụ chuyển đổi số và trở thành đối tác cấp cao nhất của các tập đoàn sở hữu nền tảng công nghệ IoT. Mục tiêu của FPT là tăng trưởng doanh thu từ mảng cung cấp dịch vụ, giải pháp chuyển đổi số đạt bình quân 50 – 70%/năm, ông Lê Hồng Việt, Giám đốc Công nghệ FPT, chia sẻ.

FPT coi nền tảng cho quá trình chuyển đổi số chính là hoạt động nghiên cứu phát triển với ba mục tiêu chính là tạo ra sản phẩm mới, xây dựng năng lực mới và khám phá công nghệ mới. Một trong những công nghệ nổi bật đang được tập đoàn tập trung nghiên cứu chính là tự vận hành. Sự bùng nổ của trí tuệ nhân tạo khiến nhiều hãng ôtô hàng đầu thế giới mạnh tay đầu tư cho xe tự hành. Đối với phát triển xe không người lái, phần mềm đóng vai trò quan trọng nhất, được ví như não bộ, đảm bảo cho xe vận hành.

FPT kỳ vọng tới năm 2020 sẽ đạt doanh số 200 triệu USD cho mảng ô tô, gồm cả phần mềm (software), thiết kế (CAD), phân tích (CAE) và thiết kế vi mạch. Về mặt nhân lực, số lượng kỹ sư trong mảng này sẽ đạt 8.000 người.

Theo danh sách do VINASA công bố, bên cạnh FPT, các doanh nghiệp được đánh giá có năng lực công nghệ 4.0 còn có Viettel, VNG, Misa, Novaon, DEHA Vietnam, NashTech Vietnam, Sao Bắc Đẩu, Vnext, VNPay.

“Với lợi thế về nguồn nhân lực trẻ năng động cũng như bắt kịp xu thế của thế giới trong cách mạng công nghiệp 4.0, nhiều doanh nghiệp Việt Nam đã tập trung đầu tư phát triển các công nghệ mới. Qua quá trình thẩm định thực tế và đánh giá của Hội đồng Chung tuyển cho thấy các ứng dụng phát triển trên nền công nghệ 4.0 đang có những bước đột phá. Thời gian tới, sẽ có thêm nhiều doanh nghiệp tham gia mạnh mẽ hơn vào cuộc chơi 4.0, kiến tạo hình ảnh mới cho nền CNTT Việt Nam trên bản đồ công nghệ thế giới”, TS. Mai Liêm Trực , Nguyên Thứ trưởng Bộ Bưu chính Viễn thông, nhận xét.

Bên cạnh những thành tựu, các doanh nghiệp cũng đối mặt với nguy cơ thiếu trầm trọng nguồn nhân lực cho cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Việc đào tạo và trang bị các kiến thức, kỹ năng phù hợp với sự phát triển, thay đổi của một “xã hội 4.0” đang là một thách thức lớn với nền công nghệ Việt Nam.

Contact Me on Zalo
Gọi Hotline Tư Vấn Ngay